Home / TIN TỨC / Giá bất động sản nhảy múa – có bàn tay của giới đầu cơ

Giá bất động sản nhảy múa – có bàn tay của giới đầu cơ

Do có “bàn tay” của giới đầu cơ, ngay trong quý đầu năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) Tp.HCM đã có những biến động lớn về giá.

Bất Động Sản tăng giá trên diện rộng

Theo khảo sát của phóng viên, khu Đông là nơi có biên độ giá tăng mạnh nhất hiện nay tại thị trường BĐS Tp.HCM. Tìm hiểu các dự án tại đường Lò Lu, quận 9, vào cuối tháng 12/2017, giá chào bán từ 19 – 30 triệu đồng/m2. Nhưng sang đầu tháng 3/2018, giá những dự án trên đã tăng lên khá cao, dao động từ 23 – 34 triệu đồng/m2.

Tương tự, chỉ trong vòng 6 tháng, đất khu vực phường Phú Hữu (quận 9) đã tăng từ 18 triệu đồng/m2 lên 28 triệu đồng/m2. Thậm chí, những dự án phân lô bán nền siêu nhỏ men theo đường Nguyễn Duy Trinh (hướng đường Nguyễn Xiển) mọc lên như nấm, có giá bán trên 32 triệu đồng/m2.

Còn tại các khu vực như đường Trần Não, Song Hành… (quận 2), giá đất cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể, cuối năm 2017, giá tại đây dao động từ 60 – 80 triệu đồng/m2, nhưng nay đã tăng lên mức 70 – 90 triệu đồng/m2, tuy nhiên vẫn khó có hàng để mua.

Không chỉ giá đất nền, các dự án căn hộ cung cư của khu Đông cũng tăng giá chóng mặt thời gian qua. Những dự án chuẩn bị bàn giao hoặc những dự án đã bán được đợt thứ 2, 3, tiêu biểu như dự án Him Lam Phú An, giá bán đợt đầu năm 2017 chỉ khoảng 23 triệu đồng/m2, nhưng nay đã tăng lên khoảng 27 triệu đồng/m2.

Tăng mạnh nhất trong phân khúc chung cư phải kể đến các dự án tại quận trung tâm Thành phố. Đơn cử, dự án Kingdom 101 trên đường Tô Hiến Thành, quận 10 đang bán giá 60 triệu đồng/m2, trong khi các dự án cùng tuyến đường cũng cùng phân khúc cao cấp mở bán tháng 1/2018 chỉ có giá khoảng 40 triệu đồng/m2.

Tại khu Tây, giá đất cũng được cho là đang được đẩy lên cao. Nếu như cuối năm 2017, giá đất tại khu Tây Bắc Tp.HCM dao động từ 15 – 18 triệu đồng/m2, thì ngay sau khi hầm chui An Sương nối đường Trường Chinh, quận Bình Tân vào Quốc lộ 22 đi Hóc Môn, Củ Chi chuẩn bị thông xe (đã thông xe cuối tuần qua), giá đã tăng mạnh lên 20 – 25 triệu đồng/m2…

Giá bất động sản Tp.HCM nhảy múa
Không chỉ đất nền, các dự án chung cư tại Sài Gòn cũng có mức giá
tăng mạnh trong thời gian qua. 

Có “bàn tay” của giới đầu cơ bất động sản?

Theo ghi nhận, hiện tượng tăng giá không chỉ diễn ra tại một số khu vực và ở một số dự án, mà diễn ra khá phổ biến tại thị trường BĐS Tp.HCM, đặc biệt là ở các dự án mới mở bán.

Về việc giá BĐS Tp.HCM tăng mạnh ngay trong quý đầu năm 2018, ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc BV Land lý giải, do có “bàn tay” của giới đầu tư thứ cấp. Theo ông Vũ, khi dự án được mở bán lần đầu, chủ đầu tư thường đưa ra mức giá thấp và nhiều chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng và thăm dò thị trường.

Lợi dụng điều này, giới đầu tư sẽ ôm hàng mạnh, tạo ra “cơn sốt” tại dự án. Khi dự án tạo được sự quan tâm của người mua, giới đầu tư sẽ tung hàng ra với mức giá cao hơn từ 5 – 10% so với giá bán của chủ đầu tư để kiếm lời.

Ngoài ra, còn một chiêu nữa mà giới đầu tư đang sử dụng đó là mua xỉ hàng loạt lô đất tại dự án đất nền, sau đó chuyển nhượng vòng tròn cho nhau và loan tin về mức sinh lời mạnh khi mua đất tại dự án đó để kích thích các nhà đầu tư đi sau, nhằm thoát hàng và hiện thực hóa lợi nhuận sớm.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết, giá BĐS trên địa bàn Tp.HCM đã liên tục tăng trong 2 năm qua, tăng giá từ nhà phố đến căn hộ chung cư, từ nội thành đến ngoại thành… Một điều dễ thấy nhất ở những khu vực và dự án tăng giá là không có người ở, nghĩa là chủ yếu là giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau.

Vị này nhận định: “Nếu thực sự khu vực đó sôi động, giá tăng thực, đáp ứng nhu cầu thực, thì tại sao lại không có người ở? Vì vậy có thể khẳng định giá đất tăng hiện nay đa phần do nhà đầu tư tạo ra”.

Hiện tượng đáng nguy hại cho thị trường bất động sản

Đánh giá về việc giá đất tại Tp.HCM tăng “chóng mặt” hiện nay, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Tp.HCM) cho rằng, đây là hiện tượng đáng nguy hại cho thị trường địa ốc. Việc biên độ giá đất tăng đang mất cân đối, thị trường chịu nhiều ảnh hưởng do việc tăng giá tự phát này. Trong khi đó, giá BĐS của Tp.HCM hiện nay luôn được Thành phố áp giá và công bố rộng rãi.

Ông Sơn cho biết, giá đất tăng đến từ các nhà đầu tư, một phần nữa đến từ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay khách hàng dựa quá nhiều vào tín dụng của ngân hàng, nên khi tín dụng được đẩy mạnh, thì tức khắc giá đất cũng tăng. Sự tăng trưởng giá của thị trường BĐS hiện nay đã phá vỡ nhiều kỷ lục đã tồn tại trước đây.

Đất nền Nhơn Trạch

Giới nghiên cứu thị trường còn đánh giá, việc giá đất tăng vô tội vạ như hiện nay còn do sự thiếu minh bạch của thị trường.

Công ty John Lang Lasalle cho biết, Việt Nam đứng thứ 68 trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch BĐS toàn cầu, thuộc nhóm có độ minh bạch thấp. Chính sự thiếu minh bạch của thị trường dẫn đến sự phổ biến của hiện tượng “đầu tư cơ hội”. Nhiều nhà đầu tư cá nhân mua nhà, đất nhưng không nhằm mục tiêu chính để ở hoặc cho thuê, mà chủ yếu chuyển nhượng kiếm lời.

Trong khi pháp luật hiện vẫn chưa có chế tài nộp thuế tài sản, thu nhập gia tăng phù hợp để có thể hạn chế được tình trạng này. Thậm chí có những thời điểm, nhóm các nhà đầu tư thứ cấp chiếm đa số giao dịch trên thị trường, dẫn tới giá nhà đất tăng cao, khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người có nhu cầu ở thực gặp khó khăn.

Nhìn nhận về việc tăng giá đất hiện nay của Tp.HCM, GS. Richard Peiser, giảng viện Trường Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng, việc thiếu minh bạch về giá BĐS, cũng như việc không kiểm soát được giá tăng đang tạo ra tình trạng lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp hưởng lợi, còn người dân ở thực sẽ chịu thiệt. Trình trạng này còn đẩy tỷ lệ thiếu nhà ở của Việt Nam tăng cao hơn trong thời gian tới.

Mối lo xa hơn nữa mà tình trạng này gây ra đó là khi biên độ giá đã đẩy lên vượt ngưỡng cho phép, sẽ làm cho thị trường rơi vào tình trạng “bong bóng” như năm 2007. Điều này dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp và Nhà nước chịu thiệt hại, còn nhà đầu tư thứ cấp tạo sóng lại có được lợi nhuận.

GS. Richard Peiser cho rằng: “Cách tốt nhất để hạn chế việc tăng giá này là cơ quan quản lý cần phải có biện pháp kiểm soát dòng tiền vay tại ngân hàng nhằm ngăn ngừa việc vay nợ quá mức để đầu tư vào BĐS. Đồng thời, cần kiểm soát việc tăng giá từ khu vực, không để tình trạng doanh nghiệp tự tăng giá theo sở thích và theo độ sốt hàng như hiện nay.

(Theo Đầu tư Bất động sản)

About bdsvungven

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *